top of page
  • Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Bắt Trẻ Đồng Xanh - Cuốn sách luôn ở bên và thấu hiểu bạn

Đã cập nhật: 27 thg 7, 2022

Giả sử như bạn thật sự không ổn thì hãy mở cuốn sách và đọc một lần nữa vì sẽ luôn có một Holden Caulfield, một J.D.Salinger ở bên và thấu hiểu bạn, để bạn biết rằng ít ra bản thân không phải chịu cô đơn.


Quay cuồng và u tối như nhạc của Billie Eilish, buồn thảm và bi kịch như tâm trạng chàng Hamlet, tục tĩu và nổi loạn như “Tiếng hú” của Allen Ginsberg chính là những trải nghiệm mà Bắt trẻ đồng xanh đem lại cho độc giả. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bậc nhất của nhà văn J.D.Salinger đã miêu tả lại một cách chi tiết thế giới nội tâm đầy khủng hoảng, chán chường của chàng thanh niên Holden Caulfield trong khi đang vật lộn trên con đường trưởng thành.


Vậy nên, dù chỉ là một cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng đè nặng dưới mỗi trang văn của Bắt trẻ đồng xanh lại tràn ngập nỗi thống khổ của người trẻ mất đi phương hướng, mà do đó ám lên tâm trí người đọc là cảm giác bế tắc cùng cực. Để rồi, phút giây khi: “Gấp cuốn sách lại bạn có đang nghe bản thân thở phào nhẹ nhõm?”- Khi tấn bi kịch ấy cuối cùng theo một cách nào đó đã có kết cục của chính mình.


Tác giả J.D.Salinger là ai?


(Chân dung J.D.Salinger, Nguồn: Internet)


J. D. sinh ngày 01/01/1919 mất năm 27/01/2010 tại Hoa Kỳ, ông là tác giả nổi tiếng với những tác phẩm kinh điển như: Bắt trẻ đồng xanh, Franny và Zooey, 9 câu truyện, Một ngày tuyệt vời của cá chuối,… Ông là một người kín đáo, không thích bị người ta dòm ngó chuyện đời tư.Và đặc biệt là sau thành công bùng nổ của ông với tác phẩm Bắt trẻ đồng xanh thì ông gần như trở nên khép kín và sống một cuộc sống ẩn dật, ít khi xuất hiện trên báo đài.


Tác phẩm

Đời sống tác phẩm


Bắt trẻ đồng xanh là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nhưng đây cũng là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi. Tác phẩm đã từng bị cấm xuất bản vì từ ngữ thô tục, tâm lý chán chường, hơi hướng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, nổi loạn, và vấn đề tình dục vị thành niên, nhưng nó cũng đã từng được đưa vào chương trình giảng dạy ngữ văn ở nhiều nước nói tiếng anh. Bắt trẻ đồng xanh chính là cuốn sách được New York Times liệt kê trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh hay nhất kể từ năm 1923 đến nay.


Nội dung sơ lược


Tiểu thuyết được viết theo lời tự thuật của nhân vật chính Holden Caulfield theo ngôi kể thứ nhất. Holden tuổi 16 đã bị trường đuổi học lần thứ tư do ý thức học tập kém đến tệ hại của cậu. Trong khoảng thời gian bị đình chỉ thay vì ngoan ngoãn đợi bố mẹ đến đón, cậu bỏ khỏi trường, bắt tàu điện đến New York và bắt đầu chuyến phiêu lưu kỳ cục và vô bổ trong tình trạng tâm lý gần như xuống dốc không phanh. Nhưng trong cái hố đời đó, cậu đã có cơ hội một lần được suy nghĩ về những người thân, về những người quen, về những cái cậu thích và những cái cậu ghét mà đa phần là ghét, rồi lại suy nghĩ vẩn vơ, nhớ về quá khứ, ghét bỏ thực tại và gặp đủ thể loại người trên đời.


Đối mặt với những điều này, cậu càng thêm chán ghét cộng đồng loài người mà cậu xem là phù phiếm và đạo đức giả, thế là cậu quyết định ở ẩn để mãi lánh đời. Nói là làm, cậu trở về nhà để từ biệt cô em gái Phoebe; nhưng cô bé lại nằng nặc đòi đi theo, cậu nổi giận với em gái và phải dỗ dành bằng cách đưa cô đi chơi vòng quay ngựa gỗ. Lúc đang dõi theo em gái, vì thân thể và tinh thần của cậu đã trở nên kiệt quệ sau quãng thời gian ăn ở bừa bãi, cậu đột nhiên bất tỉnh. Cuối cùng, cậu được gia đình chăm sóc trong khu an dưỡng, và sẽ nhập học ở ngôi trường cấp ba vào thứ năm của đầu mùa thu tới.


(Nguồn: Internet)



Cảm nhận


Góc khuất dị hợm của những năm tháng tuổi trẻ


Người ta thường tôn thờ hai tiếng “thanh xuân” như thể đó là quãng thời gian tươi đẹp lắm, kiểu như nếu thanh xuân của bạn không đẹp thì chắc chắn bạn đang có vấn đề. Hay cho dù tuổi trẻ của bạn có tồi tệ thế nào thì đó cũng phải là những cái tồi tệ tốt đẹp và những năm sau bạn phải nhìn lại tuổi trẻ đó với sự trìu mến hay cái gì đó đại loại vậy. Nhưng không, Salinger đâu chịu bị dắt mũi như vậy, ông viết Bắt trẻ đồng xanh - một cái tên mỹ miều để vạch ra trước mắt người đọc những góc khuất dị hợm của năm tháng tuổi trẻ, trong đó có cả cái giá của sự trưởng thành.

Hành động và suy nghĩ của Holden

Ở độ mười sáu đôi mươi, con người ta là cái thuộc địa được giải phóng. Con người bắt đầu tách suy nghĩ của mình ra khỏi tầm ảnh hưởng của cha mẹ. Họ từng bước tập tành tự suy nghĩ, tự định giá, và tự định nghĩa con người mình, cuộc sống của mình, thứ đáng sợ được gọi là xã hội ngoài kia, và giá trị mà bản thân sẽ theo đuổi. Do đó, con người trong giai đoạn này hoặc là như đang chơi trò “bịt mắt bắt dê” với cuộc đời hoặc là bạo dạn phá bỏ, thách thức mọi nguyên tắc được lập ra trước đó.Nếu như nhân vật Toru trong Rừng Na-uy là trường hợp thứ nhất, khi người ta chả lần ra được chút ý nghĩa gì cả, người ta chưa sẵn sàng và sợ hãi, thì cậu Holden Caulfield của Bắt trẻ đồng xanh sẽ thuộc trường hợp còn lại. Bởi thứ nhất, cậu là một học sinh cá biệt bị đuổi học tận bốn lần, cho tới lần thứ tư thì cậu cũng đã trở nên bất cần, chẳng thèm ngó ngàng đến chuyện học hành.


Thứ hai, cậu chán ghét mọi thứ, chưa bao giờ người ta thấy được một người lại có khả năng ghét nhiều thứ đến vậy! Cậu ghét điện ảnh, cậu ghét thói đạo đức giả thực dụng lúc nào cũng chỉ quan tâm đến tiền, cậu ghét cách người ta từ thiện chỉ để lấy cái danh, cậu ghét thầy hiệu trưởng, ghét ông học sinh cũ giàu phất lên nhờ việc bán quan tài, ghét lối giao tiếp lịch sự quý hóa của người đương thời, ghét luôn cả mấy thằng bạn, có ấn tượng xấu đối với hầu hết những người cậu gặp và ngay cả khi nhìn người ta ăn vận đẹp để đi xem phim ngày chủ nhật thì cậu cũng ghét nốt.



(Nguồn: Unplash)


Nếu lão Scooger chỉ ghét Giáng sinh thì Holden Caulfield còn ghét cả đời sống của cậu. Điều này khiến cậu khó có được cảm giác vui vẻ khi mọi thứ xung quanh đều khiến cậu cảm thấy chướng mắt, nhưng qua đây cũng hé lộ phần nào cuộc khủng hoảng ở độ tuổi trưởng thành, khi cậu chẳng biết bản thân phải làm gì với cuộc đời; do đó, cậu luôn phản ứng cay nghiệt, coi thường mọi thứ và hạ thấp mọi quy tắc của hệ thống của xã hội.


Thái độ của Holden đối với mọi người xung quanh

Bên ngoài cậu có vẻ cũng có giáo dục nhưng do cái tôi khinh mạn bên trong quá lớn đã khiến những dòng suy nghĩ trần trụi và bản năng nhất của cậu biến cậu trở thành một đứa trẻ vô học và láo lếu. Trong đầu, cậu láo với “ông thầy” dạy Lịch sử dù ông ấy rất quan tâm cậu; cậu dành những lời lẽ không mấy tốt đẹp khi nghĩ về anh trai - người cậu rất mực kính mến; cậu nói xấu cô bạn gái của cậu; khinh thường đôi bạn gái nhảy cùng cậu trong quán bar. Tựu chung thái độ của cậu đối với mọi người xung quanh chả có gì tốt đẹp và cũng đạo đức giả chẳng kém gì những người đạo đức giả mà cậu ghét. Lý giải cho trạng thái trong ngoài bất nhất của cậu, ta có thể thấy rằng mặc dù bên trong cậu có bao nhiêu suy nghĩ phản loạn đi chăng nữa thì cậu cũng không thể cứ thế mà ngang ngược phá bỏ hết các lề lối xã hội hay các phép lịch sự kiểu cách mà cậu ghét cay ghét đắng. Cậu cay cú với đời nhưng lại bất lực trước nó.


Cô đơn-phần không thể thiếu của tuổi trẻ

Và cũng từ đây điều tồi tệ thứ ba của tuổi trẻ xảy đến với cậu, sự cô độc. Thái độ cay nghiệt với đời khiến cậu gần như không thể hòa nhập và trở nên lạc lõng đến cùng cực. Sự cô đơn chắc hẳn là thứ không thể nào tách rời với tuổi trẻ, giống như tuổi già với cái chết, sự cô đơn cũng rút cạn sức sống của con người. Sự cô đơn của Holden được thể hiện rõ ràng ở hai phân cảnh, lúc cậu gọi một ả gái điếm lên phòng khách sạn nơi cậu nghỉ tạm nhưng không làm gì cô ấy mà chỉ muốn được nói chuyện với cô; và khi cậu làm vỡ đĩa nhạc mua cho em gái, điều đó đã khiến cậu òa khóc như một đứa trẻ. Sau đó cậu quyết định thật sự bỏ nhà ra đi, đi thật xa, và mong muốn ở ẩn để không phải tiếp xúc với loài người.


(Nguồn: Unplash)


Thông qua Holden, tuổi trẻ hiện lên thật đau khổ, tuyệt vọng và xấu xí, nó không phải là thiên đường mà là lò luyện ngục. Dễ hiểu bởi ai lại có thể nhớ về những năm tháng vô định, chông chênh, bế tắc, u uất và nực cười với ánh mắt trìu mến và nuối tiếc vì sự trôi qua của nó được cơ chứ? Ai lại cảm thấy thật may mắn khi bản thân còn quá trẻ mà đã phải vùi mình vì trầm cảm và khủng hoảng đúng không?


Vâng, chính anh chàng Holden Caulfield đã dũng cảm phơi bày tất cả cho mọi người thấy những gì người trẻ thực sự cảm nhận khi bước trên đoạn đường trưởng thành. Holden là hình ảnh của người trẻ chân thực đến mức táo bạo. Việc J.D. lật tẩy hết những góc tối trong tâm trí người trẻ đã khiến những vị phụ huynh phải bàng hoàng khi cảm nhận con người cậu ta. Đồng thời, cuốn sách cũng đã khiến người trẻ thèm muốn cảm giác được là Holden, được một lần bỏ lại tất cả để lang thang nơi góc trời và thương tiếc cái tôi thảm hại của bản thân. Như vậy, Holden đã đại diện xuất sắc cho hình ảnh của người trẻ bị mất phương hướng, thiếu cân bằng và dễ bị tổn thương - một hình ảnh dễ thấy của lớp thanh niên hiện nay.


Tổng kết

Đến cuối cùng khi cuốn sách kết thúc và Holden vào viện nghỉ dưỡng, cậu u vẫn chưa hết cái thói ngông cuồng nhưng bản thân đã biết nhớ về người thân và chúng bạn. Thật sự ai trong chúng ta cũng phải thở phào khi cuối cùng những quay cuồng, rối loạn, những luống cuống và cái vòng xoáy bão giông của cảm xúc tiêu cực cuối cùng cũng đã chịu dịu đi trong cậu.


(Nguồn: Unplash)


Chắc hẳn là những người đọc hoặc những kẻ đang phải trải quá những tháng ngày kinh khủng như vậy, cũng có thể thở phào mà nhẹ nhàng an ủi bản thân rằng, đến cuối cùng thì chuyện cũng sẽ ổn thôi. Hy vọng là như vậy hoặc giả sử như bạn thật sự không ổn thì hãy mở cuốn sách và đọc một lần nữa vì sẽ luôn có một Holden Caulfield, một J.D.Salinger ở bên và thấu hiểu bạn, để bạn biết rằng ít ra bản thân không phải chịu cô đơn.


Bạn sẽ tìm đọc cuốn sách thú vị này chứ?



(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui




1.081 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page