“Dậy! Dậy đi học Ốc ơi… Dậy đi học con ơi, muộn rồi kìa!!!”
Sống xa nhà, đối với một cô sinh viên 20 tuổi như tôi, cũng chẳng khác chi một gian bếp nhỏ. Gian bếp này có tiếng leng keng vang lên rộn ràng sức trẻ, có những thấp thỏm suy tư vì món ăn: “Cơm, áo, gạo, tiền”, và có cả thứ gia vị đặc biệt khiến bất kì ai cũng cảm thấy cay xè sống mũi mỗi khi nhắc đến. Đó chính là nỗi nhớ nhà đầy vơi, nhớ hơi ấm gia đình…
“Dậy! Dậy đi học Ốc ơi… Dậy đi học con ơi, muộn rồi kìa!!!”
Tiếng gọi đi cùng năm tháng khiến tôi giật mình tỉnh giấc, nhẹ lau giọt mồ hôi trên trán, thì ra tôi lại vừa trải qua một giấc mơ thân thuộc, một mảnh ký ức tươi đẹp nhất trong tôi lại ùa về...
Đó là tiếng gọi vang vọng xuyên không gian của mẹ gọi tôi dậy đi học, những thanh âm xạo xạc, lộc cộc dụng cụ của bố chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình.
Dẫu… biết đường một chiều thì chẳng có lối ngược Dẫu… biết thời gian đã qua thì chẳng thể quay lại được nữa Nhưng mỗi khi nhớ lại kỷ niệm thì có một loại cảm xúc cứ mãi trào dâng, nghẹn ngào, nhoi nhói, cảm xúc của các cô, các cậu lần đầu phải rời xa “lâu đài”, phải tháo bỏ lớp lá chắn vững chắc, phải rời xa vòng tay chở che, yêu thương của mẹ cha. Nghĩ tới đây, không hiểu sao giọt nước ở đâu lại rơi xuống giấy thế kia, tôi lại mau nước mắt rồi... À ra, dù tôi có mạnh mẽ, lạnh lùng với mọi người tới đâu thì với gia đình, tôi mãi chỉ là một đứa trẻ mít ướt mà thôi...
Sáng nay, tôi lại dậy sớm như một thói quen, có thời gian để nhìn lại đôi điều, suy ngẫm thêm vài thứ. Từ ban công, tôi nhìn lên bầu trời cao kia, chao ôi, thật dễ chịu, thoáng đãng với những lớp mây trắng bồng bềnh, thả mình trôi theo những cơn gió nhẹ. Nhìn xuống dưới sân ký túc xá, các bạn sinh viên đang hòa nhịp cùng không khí tuyệt vời này, với nhiều hoạt động: chạy bộ, đá cầu, bóng chuyền, cầu lông. Khung cảnh này, tất cả mọi thứ mang đến trong tôi một thoáng bình yên, tôi chọn cầm bút, gửi gắm tâm tư sâu thẳm qua từng trang giấy, nhẹ lau nước mắt, khẽ cười một cái, tôi tự nhủ: “Mạnh mẽ lên!”
Ừ thì, rồi cũng phải mạnh mẽ thôi…
Trước khi lên đại học, tôi cho rằng đây là thiên đường, đại học nhàn lắm, thích học thì học, chơi thì chơi, chẳng ai quản, cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng, khi vào thực tế, tôi vỡ mộng, kiến thức phức tạp, những cuốn giáo trình hàng trăm trang, bài tập nhóm liên tiếp kéo đến, cũng có tham gia một số hoạt động ngoại khóa, cũng làm thêm, học thêm đâu đó,… Bản thân bận bịu từ sớm tới tối, nhiều khi cảm tưởng chẳng còn đủ sức, về tới phòng, nhìn gót chân sưng đau cũng chỉ biết kiếm dầu xoa, dán băng cá nhân để hôm sau còn đi tiếp.
Dẫu có mệt mỏi đến đâu, cũng chẳng than thở với ai, tự giải quyết thôi. Sống xa nhà, thì trong mọi hoàn cảnh dù sướng khổ, vui buồn cũng chỉ một mình mình biết, một mình mình thấu, một mình mình hiểu, nói cho gia đình sợ bố mẹ buồn, bố mẹ lại lo thêm… mà nhịp sống vội vã vậy cũng tốt, tôi cũng dần thoát ra khỏi cái kén bướm ngày nào...
Lúc ở nhà, tôi thường vô tư đến ngáo ngơ, luôn phiền bố, phiền mẹ: “Bố ơi! Xe đạp con đứt phanh, xì lốp rồi. Bố sửa nhanh cho con đi ạ!”, “Dép con đâu rồi con mới để ở đây mà!”, “Áo đi học con đâu, con tìm không thấy, mọi người tìm giúp con đi!”. Thế là cả nhà lại nhanh chóng tìm giúp tôi vì sợ tôi trễ học. Nhưng sau mỗi lần, bố lại rầy la tôi: “Con gái con đứa, mày như vậy sau ở một mình thì sống sao? Lớn chừng này rồi mà không biết làm gì cả? Sau này ai cưới?”
Tôi biết mình sai rồi, đúng thật vậy, minh chứng là lên đại học tôi được nếm trải đầy đủ ý nghĩa lời nói của bố: giặt quần áo, xước tay chảy cả máu, ăn uống cũng qua loa, đi đâu cũng quên này quên kia… Nhận ra rằng, không có bố mẹ ở bên, không tự mình làm thì chẳng ai giúp cả. Sau một năm, tôi cũng đã trưởng thành hơn và biết tự lo cho bản thân rồi…
Lại nói tới chuyện ốm đau, tôi may mắn được cái ít khi ốm nhưng một khi đã ốm thì ốm ra trò. Tôi nhớ lúc đó là năm nhất, tôi bất chợt sốt cao, chẳng còn biết trời đất gì nữa, gần xỉu trên trường, may sao có chúng bạn chăm lo, giúp đỡ và rồi tôi cũng ổn lại. Những lúc này, chẳng riêng tôi, ai cũng ước ao “ giá mà có gia đình ở đây”. Dù bản thân có thể tự vượt qua được, nhưng nào bằng có bố, có mẹ kề bên, chỉ cần vậy, phong ba bão táp bỗng hóa hư không…
Và giờ đây, tôi là cô sinh viên năm hai, cái tuổi đôi mươi, cái tuổi suy nghĩ chín chắn hơn, thấu đáo hơn về mọi chuyện, phát triển “thêm lông, thêm cánh” để chuẩn bị bay lượn giữa bầu trời bao la. Bản thân là một cô gái hướng nội, ít bộc lộ cảm xúc, tôi thích hành động nhiều hơn lời nói, có lẽ vậy, tôi rất ngại nói thẳng ra lời yêu thương đối với những người quan trọng. Tôi sẽ quan sát từ những điều nhỏ nhặt nhất để quan tâm chân thành, họ mãi mãi ở trong trái tim của tôi, đặc biệt là gia đình.
Gia đình là lẽ sống, là niềm tin vững chắc cho tôi cố gắng phấn đấu từng ngày, là điều thiêng liêng không gì có thể so sánh được…
Tôi chẳng phải quá trưởng thành để dạy một điều gì đó cho mọi người. Nhưng ngay lúc này đây, tôi chiêm nghiệm được rằng: “Những giây phút ở cạnh người thân yêu, ở cạnh bố mẹ sẽ chẳng có thứ gì đánh đổi được, chẳng ở đâu ta có thể làm chính ta, thoải mái gỡ bỏ hết gắng gồng, mặt nạ với xã hội ngoài kia để mộc mạc, nguyên thủy như khi ta trở về nhà.”
Nên dẫu có bận rộn đến mấy, hãy cố gắng sắp xếp thời gian quay về đoàn tụ với gia đình bạn nhé! Dẫu có bị dòng đời dày vò đến bầm dập thì hãy nghĩ đó là lẽ tự nhiên, học cách trưởng thành, làm chủ bản thân, vượt lên trên khó khăn mới là điều đáng trân quý…
Và đừng quên: “Dù đi xa bao nhiêu, đi lâu thế nào, vẫn còn một nơi gọi là NHÀ để ta nhớ về, để ta trở về, để lòng ta thấy an yên”
Giờ là 8h sáng, những tia nắng lung linh, mộng mơ nhảy nhót ngoài ban công mới đẹp làm sao! Nào bắt đầu ngày mới thôi…
- Mai Hồng -
Một chút yêu thương
Tản văn, Hồ Chí Minh 200720
Khó khăn, trở ngại càng lớn thì ý nghĩa khi vượt qua được mới càng có ý nghĩa phải không?
"Chúng ta có đi nhiều sẽ thấy quý giá những giờ phút mà những người thân luôn luôn đón chờ và chăm sóc chúng ta mỗi khi chúng ta về bên ngôi nhà thân yêu của mình..." - Trần Lập
Một bài viết mang lại nhiều cảm xúc ❤️
Tôi cũng như bạn, cũng đi học xa nhà. Hồi trước cứ ỏng ẹo chê cơm mẹ nấu, đòi ra ngoài ăn vặt, bây giờ thì thèm lắm món cơm, món cá kho, thịt kho, món canh của mẹ. Nhiều lúc gặp khó khăn, tủi thân đến phát khóc, nhưng chỉ cần nghe được tiếng ba mẹ an ủi qua điện thoại thì cũng đã mạnh mẽ hơn được hơn 100 lần.
Cũng phải cảm ơn việc xa nhà, vì nó giúp ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của gia đình, quý trọng và yêu thương những người thân của mình hơn.
Đi là để trở về mà, phải không?